Hôm nay bạn ăn gì, và trái đất sẽ đi về đâu?

“Chồng ơi, sao dạo này thời sự toàn đưa tin tiêu cực vậy?” tôi nói với ông xã. Nhưng tôi chợt nhận ra, đó cũng là những gì đang hiển hiện quanh ta mỗi ngày, mà hầu hết không ai để ý nếu không thấy tác động trực diện của nó tới bản thân & gia đình mình.

Còn bạn thì sao, những thông tin bạn nghe được trên thời sự gần đây là gì?

Có phải là bệnh tật gia tăng và ngày càng trẻ hóa?

Có phải là biến đổi khí hậu và những hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra khắp nơi như bão tuyết lớn ở Trung Quốc, thời tiết giá lạnh bất thường ở Châu Âu?

Hay Nạn đói cùng cực tăng gấp hơn 2 lần ở các điểm nóng về khí hậu trên thế giới như ở các nước Châu Phi? 

Tất cả đều rất quen thuộc nếu bạn thường nghe thời sự trong bữa cơm gia đình giống nhà tôi, nhưng rồi lại lắc đầu cho qua vì thấy nó cũng chẳng ảnh hưởng gì tới cuộc sống của mình!

Khi bị bệnh, người ta mới quan tâm tới sức khỏe; 

Khi nước ngập vào nhà, hòn đảo mình sống sắp bị nhấn chìm, người ta mới quan tâm tới biến đổi khí hậu; 

Nạn đói toàn cầu thì còn xa hơn nữa, vì bạn và tôi còn đang có smartphone để mà sống ảo, thì ta quan tâm gì tới những đau khổ mà những người xa xôi nào đó phải gánh chịu?! Khi giá lương thực tăng cao, và thùng gạo nhà mình sắp cạn, người ta mới cất cái smartphone đi mà lo tới nạn đói…

Nhưng đố bạn biết, hành động nào đơn giản, bạn có thể làm ngay, nhưng lại có thể tác động tổng thể tới toàn bộ cuộc sống mỗi người cùng với môi trường sống của trái đất này? 

Đáp án chính là lựa chọn thực phẩm của mỗi gia đình.

Tại sao vậy? Dưới đây là 3 lý do: 

Thứ nhất, về sức khỏe.

Năm 2018, nhóm IARC, Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra một công bố toàn cầu: ăn thịt là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới ung thư. Theo đó, 22 chuyên gia tới từ 10 nước đã khẳng định cứ ăn thêm 50g thịt chế biến mỗi ngày (tương đương 2 lát thịt xông khói), là bạn gia tăng thêm 18% khả năng ung thư đại trực tràng! Và TS  T. Colin Campbell, với công trình nghiên cứu hơn 20 năm của mình về tác động của đạm động vật lên cơ thể người, đã đưa ra kết luận: protein gốc động vật là một trong những dưỡng chất độc hại nhất. Chúng ta có thể tránh được nguy cơ mắc các căn bệnh thế kỷ như ung thư, tim mạch, tiểu đường nếu ta lựa chọn chế độ ăn nguyên xanh (hay plant-based).

Thứ hai, về môi trường. 

Nếu bạn đã nghe podcast của tôi về “Bữa ăn cứu trái đất”, chắc hẳn bạn đã biết ngành công nghiệp chăn nuôi tác động tiêu cực lên tổng thể môi trường sống của chúng ta thế nào. Từ việc làm ô nhiễm nguồn nước sạch, tiêu thụ quá mức và suy giảm nghiêm trọng nguồn tài nguyên hữu hạn này; tới việc khí thải từ chăn nuôi (N2O, CH4) góp tới 24% lượng khí nhà kính, trong khi khí thải từ xe cộ (CO2) chỉ chiếm 14%; hay đại dương của chúng ta cũng đang kêu cứu vì ngành công nghiệp đánh bắt cá đang làm mất cân bằng nghiêm trọng hệ sinh thái đại dương, làm suy giảm lượng oxy trong nước biển gây nên tình trạng cá chết hàng loạt hay 50% các rặng san hô trơ xương trong vòng 20 năm qua… Một trong những giải pháp ý nghĩa được đưa ra để cứu vãn tình hình, đó là hãy lựa chọn thực phẩm gốc thực vật thay vì thực phẩm gốc động vật, và môi trường sẽ biết ơn bạn vì điều đó. 

Thứ ba, về nạn đói trên toàn cầu. 

Nghe thì có vẻ xa vời, nhưng bạn có biết, có những nơi người dân có thể sống sót chỉ cần nhờ vào những bắp ngô mà ở những nước phát triển dùng để cho bò ăn?

Theo chia sẻ của David Pimentel, giáo sư sinh thái học tại Đại học Nông nghiệp và Khoa học Đời sống Cornell, Hoa Kỳ thì lượng ngũ cốc nuôi gia súc trong 1 năm ở Mỹ có thể đủ nuôi 800 triệu người, và việc xuất khẩu chúng có thể thu về tới 80 tỷ đô để làm vô số việc hữu ích khác! Về lý thuyết, nếu cả thế giới ăn chay, hoặc đơn giản chỉ cần dùng một phần nhỏ ngũ cốc nuôi gia súc kia để nuôi con người, nạn đói sẽ được giải quyết hoàn toàn. 

Bạn thấy đấy…

Có những thứ tưởng như vô hình, lại có tác động khổng lồ!

Có những hành động tưởng như nhỏ bé, lại có ý nghĩa lớn lao!

Có lẽ vì thế, mà ở những nước phát triển như các nước Âu Mỹ, người dân đang dần chuyển sang chế độ ăn nguyên xanh này như một xu thế. Cũng theo một phóng sự được đưa trên VTV 1 về xu hướng tiêu dùng thực phẩm xanh trên toàn cầu: ở châu Âu, thị trường đồ ăn plant-based đang tăng trưởng 25% mỗi năm, số người ăn plant-based đang có xu hướng trẻ hóa…; ở Mỹ, thực phẩm có nguồn gốc thực vật đang ở thời kỳ nở rộ, thậm chí người ta còn dự báo là thực phẩm có nguồn gốc thực vật có thể sẽ là động lực tăng trưởng chính cho thị trường thực phẩm bán lẻ. Đặc biệt, Ban tổ chức Thế vận hội Olympic Paris 2024 cho biết, 60% các món ăn được phục vụ trong kỳ thế vận hội lần này sẽ là đồ chay, vì lý do sức khỏe và bảo vệ môi trường (tin đưa trên VTV1 ngày 14/12). 

Dinh dưỡng thực vật đang được coi là giải pháp sức khỏe của thế kỷ 21, không chỉ để bảo vệ sức khỏe bản thân, mà còn là sức khỏe của môi trường sống của chúng ta, cũng như giúp xóa bỏ nạn đói toàn cầu. 

Vậy, hôm nay bạn sẽ ăn gì? 

Leave a Comment

Scroll to Top